Đăng Ký Học
Ngày 06/02/2025 11:21:06, lượt xem: 62
Đề bài: Lòng hiếu thảo là sợi dây vô hình kết nối thế hệ, làm bền vững giá trị gia đình và tạo nên nhân cách cao đẹp của mỗi con người.
Bằng 01 bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ), em hãy nêu suy nghĩ về cách để giới trẻ ngày nay thể hiện lòng hiếu thảo và kết nối với gia đình.
Bài làm
“Gia đình, gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ
Cho ta bao nhiêu tình thương mến
Gia đình, gia đình, vương vấn bước chân ra đi
Ấm áp trái tim quay về…”
Những câu hát du dương gợi cho chúng ta suy tư về gia đình. Gia đình được hình thành từ những kết nối sâu sắc và là nơi ấp ôm con người. Thế nhưng, cùng với thời gian, dần dần, kết nối này đang dần mỏng manh hơn - đặc biệt là với giới trẻ, đe dọa đến sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để thế hệ trẻ có thể thể hiện lòng hiếu thảo và kết nối với gia đình.
Trước hết, ta cần hiểu, lòng hiếu thảo là sự kính trọng, yêu thương và chăm sóc mà con cái dành cho cha mẹ. Còn kết nối với gia đình là khi con người được gắn kết sâu sắc về tình cảm và huyết thống với những người thân yêu của mình. Lòng hiếu thảo là “sợi dây vô hình kết nối các thế hệ”, nên khi thể hiện lòng hiếu thảo, là ta đang tạo ra một môi trường bền vững cho sự phát triển các giá trị của gia đình. Từ đó, gia đình trở thành cơ sở của niềm tin, là bệ đỡ cho ước mơ và là động lực cho mọi sự cố gắng của con người. Khi có sự kết nối với gia đình, tự thân con người thấy được môi trường để hoàn thiện và phát triển bản thân, đóng góp vào việc xây dựng những tế bào phát triển cho xã hội.
ĐỌC THÊM: VIẾT BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT | GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA DÂN TỘC
Tuy vậy, cùng với sự phát triển của thời đại, con người dễ dàng giao tiếp với gia đình hơn, bất kể khoảng cách, nhưng lại cũng dễ mất kết nối với chính gia đình. Dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhưng vòng xoáy của công việc, của những hoạt động giải trí khác khiến ta ít dành thời gian cho gia đình hơn. Có đến 57% trong số hơn 38 nghìn người thực hiện một khảo sát của báo Tiền phong đầu năm 2020 chỉ dành dưới 20 phút mỗi ngày cho gia đình của mình. Hơn thế, thời đại càng nhanh chóng thay đổi, khoảng cách giữa các thế hệ càng lớn. Sự không thể thấu hiểu giữa các thế hệ khiến kết nối gia đình ngày càng mỏng manh, làm cho gia đình - với một bộ phận giới trẻ - dường như không còn là nơi để trở về. Thiếu đi bệ đỡ vững chắc ấy, người trẻ ngày càng dễ gặp áp lực, dễ tự ti và nản chí trước khó khăn. Gia đình thiếu gắn kết cũng đặt sự gắn kết và phát triển bền vững của xã hội dưới những nguy cơ.
Bởi vậy, điều cần thiết là phải có những giải pháp để giới trẻ thể hiện được lòng hiếu thảo và kết nối với gia đình. Nó đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía. Bản thân mỗi người trẻ cần ý thức được giá trị của gia đình, dành cho gia đình thời gian hợp lí và chất lượng - nghĩa là có những hoạt động chung, chia sẻ tình yêu thương trong thời gian cho gia đình chứ không chỉ là có mặt bên nhau. Tiếp theo đó, nhiều người trẻ vẫn nghĩ, thể hiện lòng hiếu thảo chỉ cần vật chất là đủ. Nhưng chỉ vật chất thôi là chưa đủ. Chìa khóa của sự kết nối là tình yêu thương, và tình yêu thương bộc lộ ở việc trân trọng từng giây phút được gắn bó với nhau. Do đó, một lần nữa, gia đình rất cần dành cho nhau thời gian, cần lắng nghe chia sẻ và câu chuyện của mỗi thành viên một cách tích cực. Nghĩa là lắng nghe để thấu hiểu lẫn nhau, đặt bản thân vào vị trí của người chia sẻ, không chỉ so sánh dựa trên những trải nghiệm của cá nhân. Điều này thực ra rất đơn giản. Thay vì nói “Ngày xưa bố mẹ còn phải…”, cha mẹ có thể quan tâm hơn đến trạng thái, suy nghĩ và nhu cầu của con, bởi trải nghiệm của mỗi thế hệ khác nhau còn phụ thuộc vào thời đại mà thế hệ đó sinh ra. Khi học được cách lắng nghe, đồng nghĩa với việc các thành viên trong gia đình đã và đang học cách thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, đang dang tay đón những đứa trẻ trở về.
ĐỌC THÊM: BỘ KẾT BÀI CHI TIẾT CHO 20 CHỦ ĐỀ PHỔ BIẾN TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT
Phải nói thêm, nguyên nhân của sự mất kết nối giữa thế hệ trẻ với gia đình còn đến từ thời kì trưởng thành của trẻ. Do vậy, với những thời điểm nhạy cảm trong tâm lí của tuổi thiếu niên, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải thật sự kiên nhẫn và bao dung với con. Phải hiểu rằng, những đứa trẻ ấy cũng đang trong quá trình tìm hiểu bản thân, chúng có rất nhiều những khúc mắc mà tự bản thân không thể tháo gỡ được. Để từ đó, đồng hành cùng với con. Sự đồng hành của cha mẹ, của gia đình là cách nhắc nhở mỗi người trẻ luôn khắc ghi việc kết nối trở lại với gia đình.
Tóm lại, “Nhà không phải là nơi trú ngụ, mà là nơi bạn có thể tìm thấy ánh sáng khi tất cả bỗng trở nên tăm tối” (Pierce Brown), gia đình sẽ luôn là điểm tựa cho sự phát triển của con người. Vậy nên, hãy dành cho nhau thời gian, sự kiên nhẫn và tình yêu thương, để với mỗi người trẻ, nhà là nơi để trở về, để mỗi gia đình đều gìn giữ được kết nối vững bền.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10
- Khóa học Phương pháp và luyện đề lớp 9
Tin liên quan